Thứ năm, Ngày 28 - 03 - 2024

TPHCM tính giá đất làm lợi cho nhà đầu tư

(Dân trí) - Trong dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài, UBND TPHCM nhiều lần làm trái để có lợi cho nhà đầu tư hơn 44,3 triệu USD. Thanh tra Chính phủ “hoài nghi về tính minh bạch của Thành phố trong quan hệ kinh tế với nhà đầu tư nước ngoài”. Tự quyết định giá đất
 
Dự án này do Công ty GS E&C (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư (CĐT) theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”. Theo đó, GS E&C sẽ bỏ vốn xây dựng con đường này với tổng dự toán là 291.866.071 USD (giá trị xây lắp là 171.866.071 USD và hỗ trợ chi phí GPMB là 120 triệu USD). Đổi lại, TPHCM sẽ cho GS E&C thuê 5 “khu đất vàng” để đầu tư kinh doanh trong vòng 50 năm.
 
5 khu đất trên bao gồm: (1) Thảo Điền 1 rộng hơn 27.000m2; (2) Thảo Điền 2 rộng 17.200m2; (3) số 90A Lý Thường Kiệt rộng gần 18.000m2; (4) hơn 40.200m2 ở khu đô thị mới Thủ Thiêm; (5) gần 918.000m2 ở phường Long Bình, quận 9.
 
Về nguyên tắc, giá cho thuê các khu đất trên phải được tính khi UBND TPHCM có quyết định cho thuê đất. Nhưng UBND TP đã không thực hiện theo nguyên tắc này.
 
Cụ thể, khu đất Thảo Điền 1 được UBND TP ra quyết định cho GS E&C thuê vào tháng 6/2008, khu đất Thảo Điền 2 được giao vào tháng 1/2008. Thế nhưng, UBND TP lại chấp thuận cho CĐT nộp tiền đất theo giá đất do Sở Tài chính xây dựng tại thời điểm tháng 12/2006. Điều này không đúng với kiến nghị của Bộ Tài chính và báo cáo của UBND TP với Thủ tướng Chính phủ.
 
Tương tự, khu đất 90A Lý Thường Kiệt có quyết định cho thuê đất vào tháng 1/2008 nhưng việc định giá đất lại được xác định theo giá từ tháng 11/2005. Do đó, tiền thuê khu đất này được xác định là hơn 37 triệu USD. Nhưng so với giá đất năm 2008 thì nó thấp hơn rất nhiều.
 
Khi GS E&C tiến hành dự án xây dựng tổ hợp cao ốc XI Grand Court Lý Thường Kiệt tại khu đất này vào tháng 7/2009 thì khu đất được Sở Xây dựng định giá là hơn 51,6 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng tại khu đất này, việc UBND TP áp giá đất sai thời điểm đã làm ngân sách thiệt hại gần 15 triệu USD.
 
Khu đất 90A Lý Thường Kiệt hiện nay đang được chủ đầu tư cho thuê làm quán ăn
 
 
Khu đất ở phường Long Bình thì được UBND TP tự định giá cho GS E&C thuê với giá hơn 78,5 triệu USD. Tuy nhiên, giá này rất thấp so với giá mà Sở Tài chính đề nghị (108 triệu USD), thấp hơn cả số tiền mà ngân sách phải bỏ ra để bồi thường GPMB (80 triệu USD) để giao cho GS E&C. Chỉ riêng tại khu đất này đã làm ngân sách thiệt hại gần 29,5 triệu USD.
 
Đó là chưa kể mức tính toán thiệt hại trên là dựa vào giá đất từ năm 2006. Trong khi đó, theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP và GS E&C thì khu đất này chỉ được cho thuê sau 3 năm kể từ ngày dự án khởi công (3 năm sau ngày 9/6/2008) hoặc sau khi tuyến đường hoàn thành 70%.
 
Tức là đến nay vẫn chưa đến thời điểm giao đất (cũng là thời điểm tính tiền đất) nhưng tiền đất đã được tính từ năm 2006. Nếu tính với giá đất hiện nay thì khu đất trên đã tăng giá từ 2 đến 2,7 lần so với năm 2006. Như vậy, nếu so với giá đất hiện nay thì giá trị thiệt hại ngân sách còn lớn hơn rất nhiều lần.
 
Tuy nhiên, chỉ tính sơ sơ như trên mà TTCP đã xác định UBND TP làm trái quy định, làm lợi cho nhà đầu tư và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước hơn 44,3 triệu USD.
 
Nhiều ưu đãi trái luật
 
Ngoài cách tính tiền cho thuê đất theo hướng rất có lợi cho GS E&C như trên, UBND TPHCM còn có nhiều ưu đãi trái luật cho nhà đầu tư này.
 
Việc lập dự toán cho dự án này rất sơ sài nhưng UBND TP cũng thông qua. Thậm chí, nhà thầu lập thiết kế cơ sở và lập dự án là Công ty KCI (Hàn Quốc) tại thời điểm thẩm định thiết kế cơ sở dự án đầu tư (tháng 12/2006) còn chưa có giấy phép hoạt động tại Việt Nam nhưng UBND TP cũng cho qua.
 
Để thực hiện dự án, trong năm 2008, GS E&C đã chuyển cho UBND TP 120 triệu USD tiền hỗ trợ chi phí bồi thường GPMB. Đến tháng 7/2010 thì UBND TP mới sử dụng hơn 35 triệu USD, số tiền còn lại vẫn gửi trong Kho bạc Nhà nước. Nhưng Sở Tài chính vẫn báo cáo là TP khó khăn về tài chính nên phải tranh thủ vốn cho NĐT là không đúng.
 
Từ đó, UBND TP lấy lý do GS E&C khó khăn về tài chính, cần vốn để làm đường rồi cho phép công ty này chuyển nhượng dự án xây dựng tổ hợp cao ốc XI Grand Court Lý Thường Kiệt tại khu đất 90A Lý Thường Kiệt vào tháng 6/2010 dù khu đất vẫn chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
 
Mức chuyển nhượng khu đất này chưa được tiết lộ nhưng có lẽ lớn hơn rất nhiều số tiền 37 triệu USD mà GS E&C trả cho TP vì khu đất này nằm tại địa điểm rất đắc địa, gần trung tâm TP.
 
 
Khu đất 90A Lý Thường Kiệt không chỉ được UBND TP “định giá rẻ” mà còn cho phép nhà đầu tư “bán sang tay” kiếm lời
 
 
Số tiền 120 triệu USD trên cũng khá “mập mờ” vì trong các văn bản UBND TP báo cáo Thủ tướng và trong hợp đồng BT thể hiện thì đó là số tiền NĐT chuyển cho TPHCM để phục vụ việc bồi thường GPMB xây dựng tuyến đường. Thế nhưng, trong 1 báo cáo khác Sở Tài chính lại cho đó là “tiền thuê đất, chênh lệch giữa tiền thuê đất và tiền sử dụng đất mà NĐT phải ứng trước khi giao đất”.
 
TTCP cho rằng: “Từ sự thiếu nhất quán trong việc lý giải về mục đích sử dụng số tiền 120 triệu USD của NĐT chuyển cho TPHCM cũng như việc thực tế sử dụng số tiền này dẫn đến sự hoài nghi về tính minh bạch của TP trong quan hệ kinh tế với NĐT nước ngoài”.
 
Chưa kể, khi UBND TPHCM cho NĐT thuê các khu đất trên cũng không lập danh mục trình HĐND TP thông qua theo quy định của Chính phủ.
 
Các khu đất trên cũng không được UBND TP chỉ đạo lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nhưng đã định giá và cho NĐT lập dự án khu dân cư, thương mại và dịch vụ là trái với quy định của pháp luật.
 
Việc UBND TP cho GS E&C thuê 5 khu đất trên mà không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, tự định giá 2 khu đất để cho thuê, không căn cứ vào ý kiến tham mưu đề xuất của Sở Tài chính là vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính của Nhà nước. Hơn nữa hợp đồng BT mà UBND TP ký với GS E&C cũng có nhiều điều khoản xung đột với nhiều văn bản pháp luật Việt Nam có hiệu lực tại thời điểm ký kết hợp đồng.
 
TTCP cũng cho là UBND TPHCM và Công ty GS E&C đã cố ý ghép 2 loại dự án (dự án làm đường và dự án kinh doanh bất động sản) vào 1 hợp đồng là trái với quy định tại Nghị định số 78/2007/NĐ-CP, làm vậy là không tường minh, làm phức tạp thêm quá trình đàm phán.
 
TTCP cho rằng: “Bản chất của bản hợp đồng mà UBND TP ký với công ty GS E&C là hợp đồng đổi đất lấy hạ tầng, hình thức này đã không được thực hiện từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực”.
 
 
Tùng Nguyên
(Theo báo Dân Trí)

 

DOANH NGHIỆP ĐỊA ỐC
THỐNG KÊ TRUY CẬP

Thiet ke web : Ngon Hai Dang